Trong bài viết này Huyền xin chia sẻ một vài kinh nghiệm làm dạng Multiple Choice lựa chọn một đáp án trong IELTS Listening. Đối với Huyền Multiple choice là dạng khó nhất trong IELTS Listening. Dạng này xuất hiện nhiều nhất trong Section 3, vậy nên nhiều bạn sẽ thấy Section 3 còn khó hơn Section 4 nữa!
Sau đây là các bước Huyền làm dạng này:
PHÂN TÍCH ĐỀ
Đầu tiên là đọc thật kỹ câu hỏi và chốt lại nghĩa cơ bản của câu hỏi đó. Ví dụ trong hình bên dưới: Chúng ta cần nắm được yêu cầu chính/ cơ bản của mỗi câu hỏi là gì.
- Câu 21: Hỏi lý do Jack muốn nghiên cứu đề tài seed germination (giả sử vào thi mình không biết nghĩa của cụm từ này, không sao cả, mình chỉ cần biết tại sao Jack muốn nghiên cứu nó là được).
- Câu 22: Ưu điểm chính của thí nghiệm Jack và Emma đang làm là gì?
- Câu 23: Họ (ở đây là Jack và Emma) cần gặp giáo viên để kiểm tra vấn đề gì?
- Câu 24: Tại sao Jack và Emma nghĩ rằng sách của Grave thật đáng thất vọng?
- Câu 25: Jack nói gì về bài báo của Lee Hall về đề tài seed germination?
Sau khi đã nắm được yêu cầu chính của từng câu hỏi, ta sẽ đi vào xem các lựa chọn và cố gắng chỉ ra sự khác nhau giữa các lựa chọn đó:
Ví dụ câu 21:
- A – Jack muốn học mô đun về chủ đề tương tự sau này. → Học sau này
- B – Jack muốn làm trong ngành khoa học cây trồng → Nghề nghiệp
- C – Jack có thể chọn đề tài này cho luận văn → Luận văn
NGHE
Sau khi đã nắm được hai phần:
- Phần 1: Yêu cầu chính của câu hỏi
- Phần 2: Sự khác nhau giữa các lựa chọn
Chúng ta sẽ bắt đầu nghe. Nghe bao nhiêu lần tùy mỗi bạn, nếu lần đầu chưa nghe được Huyền thường sẽ nghe thêm 2-5 lần nữa.
PHÂN TÍCH TRANSCRIPT
Phần quan trọng nhất – quyết định sự lên nhanh hay chậm của chúng ta đối với dạng bài này theo Huyền là việc phân tích transcript. Có hai việc cần làm trong giai đoạn này:
- Phân tích xem tại sao lựa chọn đó đúng?
- Còn hai lựa chọn còn lại → Có được đề cập trong bài không? Nếu có tại sao chúng sai?
Ví dụ câu 21:
- Đáp án A đúng → Phân tích kỹ tại sao A đúng? Có các cụm từ đồng nghĩa nào được sử dụng? Ghi chú lại.
- Vậy thì B và C có được đề cập trong bài không? Có → Vậy tại sao chúng không được chọn? Có từ/ cụm từ nào là từ khóa để mình loại hai lựa chọn này không?
Tương tự như vậy đối với các câu còn lại:
LƯU Ý
Đối với dạng bài này, mình có một số lưu ý như sau:
- Hầu như tất cả các lựa chọn đều được đề cập → Nếu chỉ nghe được từ khóa, mình sẽ chẳng biết lựa chọn nào đúng.
- Lựa chọn đúng thường được paraphrase rất kỹ càng, còn các lựa chọn còn lại thông thường lại có các từ khóa được giữ nguyên → Khổ vậy đó, mình thì thường có xu hướng nghe được từ khóa nào là chọn luôn lựa chọn đó!
- Vì lựa chọn được papraphrase kỹ nên đòi hỏi lượng từ đồng nghĩa của mình phải nhiều → Vậy nên làm bài nào mình cố gắng dành nhiều thời gian phân tích, ghi chú lại đồng nghĩa để học. Dần dần, khi vốn từ đồng nghĩa tăng rồi, mình sẽ cảm thấy đỡ áp lực hơn.
- Luôn đặt chất lượng lên số lượng. Làm đề nhiều mà phân tích qua loa cũng không bằng việc làm ít, làm bài ngắn thôi cũng được, mà dành nhiều thời gian phân tích, rút từ, học từ.
- Dành riêng thời gian cho nó! Cố gắng dành thêm 30′ để luyện riêng dạng này! Khi nào học bạn nhớ đánh dấu vào để sau khoảng 1 tháng, mình sẽ kiểm tra xem mình có thực sự luyện đều đặn hay chưa. Nguồn đề dành cho bài này thì bạn cứ tìm trong các quyển Cambridge, phần Section 3 sẽ thấy nhé.
- Nhớ là luôn phân tích lại đáp án đúng và tìm xem hai lựa chọn kia có được speaker đề cập không? Nếu có thì tại sao lại không được chọn.
- Ghi chép cẩn thận lại từ vựng, nhất là đồng nghĩa và nhớ học từ, khảo lại từ thường xuyên nhé.
Trên đây là một số kinh nghiệm làm IELTS Listening Multiple choice, Huyền hy vọng rằng bài viết sẽ hữu ích với bạn nhé.
Cảm ơn chị về những chia sẻ rất chi tiết và bổ ích này ạ. Em rất thích cách học IELTS của chị và đang cố gắng follow ạ ^ ^