Chào bạn
Ngày học đại học, mỗi lần kiểm tra cô lại cho 10 câu nghe dạng trắc nghiệm giống Toeic, giờ nghĩ tới thực sự vẫn còn sợ vì Huyền chỉ tự tin ngữ pháp thôi (Huyền là dân tỉnh lẻ và chương trình Tiếng Anh 90% là ngữ pháp), còn nghe nói là bó tay.
Lúc đó Huyền còn nhớ là Huyền thường dặn hai đứa bạn thân là chỉ cho Huyền với nhé, vì thực sự nghe chẳng hiểu gì cả. Lúc ôn IELTS, Huyền tự test tại nhà, đơn giản lắm cứ lấy đại một quyển Cambridge nào đó ra, chọn đại một test rồi mở lên nghe thôi. Lần đầu tiên may mắn được 3.5 (khoảng 9 câu), thế là cứ lao đầu vào luyện đề (nản ơi là nản) mà chẳng hề tìm hiểu xem luyện như thế nào mới hiệu quả – đây là một sai lầm lớn Huyền mắc phải thời điểm đó.
Sau này lúc có thời gian tìm hiểu và giảng dạy, gặp gỡ nhiều bạn với nhiều level khác nhau, cách luyện khác nhau Huyền mới rút ra được rằng mình nên luyện theo từng giai đoạn, đi từ dễ tới khó, cơ bản tới nâng cao, chứ đừng nhào vô là giải đề liền (vừa nản lại còn hiệu quả không cao, đặc biệt với các bạn mới bắt đầu).
Rất nhiều bạn đã áp dụng phương pháp học theo giai đoạn và đạt điểm IELTS Listening 6+, bạn có thể xem báo điểm của các học viên của Huyền tại đây nhé.
Các học viên khóa IELTS Listening Online của Huyền hiện tại đều áp dụng theo các giai đoạn như bên dưới.
Giai đoạn 1: Luyện theo dạng bài (dạng dễ)
Cá nhân Huyền thấy luyện theo dạng bài là cách đơn giản và hiệu quả để bắt đầu. Chúng ta sẽ luyện từ dễ lên khó, bài ngắn lên bài dài, bài tập trung phản xạ, nghe từ khóa lên bài tập trung sự phân tích, nghe hiểu. Bạn có thể phân chia bài nghe theo dạng như sau:
- Nghe chữ cái và số (như nghe địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, kích thước, …).
- Nghe dạng Form/ Note/ Sentence/ Table Completion → Huyền thấy đây là dạng dễ nhất trong IELTS Listening, thường xuất hiện ở Section 1.
- Nghe dạng Short Answer Questions
Luyện thật nhiều bài tập của các dạng trên, không phải luyện mỗi dạng vài ba bài là xong, mà cần luyện sâu. Đối với mỗi bài cần phân tích thật kỹ, thật sát sao câu nào sai, tại sao mình sai, rút từ mới, học từ. Mục tiêu là với mỗi bài như vậy số câu đúng sẽ chiếm 70% trở lên. Có như thế thì tới những dạng sau mình mới thấy đỡ áp lực hơn. Dạng dễ còn chưa chinh phục được, thì tới những dạng sắp nói tới đây sẽ khiến mình dễ bỏ cuộc lắm.
Giai đoạn 2: Luyện theo dạng bài (dạng khó)
Các dạng khá là “đáng gờm” mình cần chinh phục trong giai đoạn tiếp theo là:
- Summary completion → Cái dạng gì đâu mà nó khó dữ dội, rất nhiều đồng nghĩa, không biết đồng nghĩa là coi như khỏi làm luôn.
- Flowchart/ Map completion → kiểm tra sự nhạy bén, phản xạ nghe. Lúc nghe người ta nói hướng Đông Bắc, mà mình thì vẫn chẳng biết đâu là hướng Đông Bắc trên bản đồ, thế là toi. Bạn có thể xem video hướng dẫn dạng Map chi tiết từng bước tại đây nhé.
- Matching/ Multiple Choice → Đáp án đúng nó nằm giữa cả một vùng lựa chọn, biết chọn cái nào khi mà tất cả đều được người nói đề cập? Có nghĩa là từ khóa của lựa chọn nào cũng được nói tới → Nếu chỉ nghe từ khóa thôi, khó mà chọn được đáp án đúng lắm. Huyền đã viết một bài chia sẻ rất chi tiết kinh nghiệm làm dạng Multiple choice, bạn có thể xem tại đây nhé.
- Nếu muốn luyện theo dạng, bạn có thể tham khảo quyển Complete IELTS Band 4-5, Complete IELTS Band 5-6.5, Get ready for IELTS.
- Hoặc bạn có thể đăng ký khóa IELTS Listening Online của Huyền với 12 bài giảng hướng dẫn cách làm từng dạng và 100 bài tập được chia sẵn theo dạng, dịch, rút từ chi tiết.
Giai đoạn 3: Luyện theo Section
Lúc này mình có thể bắt đầu với bộ Cambridge, nhưng chỉ giải Section 1 thôi. Cứ giải khi nào tiến độ là 70%+ thì chuyển sang Section 2, tương tự như vậy với các Section còn lại. (Xin lưu ý, hiện tại IELTS đã đổi cách gọi Section thành Part nhé).
Bảng kiểm tra tiến độ nghe và cách nghe hiệu quả
Học gì cũng nên có thời gian biểu cụ thể, giờ nào việc nấy. Để kiểm tra tiến độ và sự đều đặn bạn có thể dùng bảng kiểm tra tiến độ ielts listening này để tự đánh giá quá trình học của mình nhé.

Cách dùng bảng kiểm tra tiến độ ielts listening
- Cột 1: Ghi chú thứ tự số bài, ví dụ bài 1, bài 2, bài 3
- Cột 2: Nghe lần đầu → Lần đầu tiên nên nghe xuyên suốt, không bấm dừng (pause), nghe một mạch từ đầu tới cuối. Trước khi nghe nhớ phân tích đề để mình biết mình cần nghe gì, từ nào trong đề không biết mình cứ tra từ điển thoải mái. Lúc nghe thì nghe tập trung, nghe giống thi, được bao nhiêu câu nhớ ghi vào cột này.
- Cột 3: Nghe lần 2 → Lần này mình vừa nghe vừa bấm dừng, đoạn nào không nghe được cứ tua đi tua lại thoải mái, mục tiêu là để nghe ra được đáp án. Tua hoài mà nghe vẫn không được thì bỏ qua. Lần này nghe được bao nhiêu câu nhớ ghi vào cột này. (Lát nữa xem có hơn lần 1 không)
- Cột 4: Nghe lần 3 → Trước khi nghe lần 3 bạn có thể dò đáp án và xem transcript. Lần 3 này bạn có thể vừa nghe vừa xem transcript.
- Cột 5: % lần nghe đầu → Chỉ tính trên lần đầu tiên thôi. Lần đầu nghe được bao nhiêu câu, bạn chia ra tính phần trăm nhé (ví dụ 5/10 thì được 50%), mục tiêu của mình là đều đặn >=70%. Tại sao chỉ tính trên lần nghe đầu, vì đi thi IELTS họ chỉ cho nghe có 1 lần à, tính như vậy cho nó khách quan và còn có động lực mà cố gắng.
- Cột 6: Ghi chú → Bạn ghi chú ngày tháng xuống nhé (Để sau này còn kiểm tra sự đều đặn của bản thân), bạn có thể ghi thêm sách bạn nghe (Ví dụ Cambridge 7, test 1, section 1, …)
Những lưu ý sau khi nghe:
Còn câu nào sai thì phân tích kỹ hơn: ủa tại sao sai, phải luôn đặt câu hỏi cho bản thân mình:
- Sai do đoạn đó có từ mới? → Ghi chú lại
- Người nói sử dụng từ đồng nghĩa mà mình chưa từng biết? → Ghi chú lại
- Mình biết hết từ mà do người nói nói nhanh quá nghe không kịp? → Nghe lại, chạy (play) audio đó với tốc độ chậm lại.
- Mình biết từng từ nhưng khi ghép lại thì lại chẳng hiểu nghĩa → ví dụ “Where can I get hold of some stamps?”, từ nào cũng biết nghĩa nhưng nguyên câu lại chẳng hiểu gì. Vậy thì mình cần phân tích xem người ta có sử dụng thành ngữ (idiom), collocation, phrasal verb, hay cấu trúc ngữ pháp nào đặc biệt không? Câu trên có cụm “get hold of”, nếu không biết mình lại dịch theo kiểu từ-từ, get = có, hold = ôm, of = của → chả hiểu gì luôn. Lúc này cứ gõ nguyên cụm get hold of meaning lên google là sẽ thấy liền nó có nghĩa là to find someone or obtain something.
Vậy đó, mình cứ từng bước hoàn thành từng giai đoạn, giai đoạn nào cũng giữ cái bảng kiểm tra tiến độ thật sát sao để đánh giá khách quan việc học của bản thân. Cứ luyện đi, kiểu gì cũng lên, bạn thân cùng phòng với Huyền mất gốc (thi 3 lần mới đủ 300 Toeic để ra trường) mà giờ còn 8.0 ielts listening, người ta làm được mình cũng làm được. Không được than vãn về xuất phát điểm của mình, mất gốc thì học cho có gốc, có gốc mà chưa nghe được thì bây giờ lên kế hoạch bắt đầu. Không có tiền học trung tâm thì học online, không có tiền nữa thì tự học trên Youtube, các group IELTS! Biết bao nhiêu cánh cửa mở ra chờ mình bước tới! Cứ từng bước từng bước một, khó điểm nào dừng lại phân tích điểm đó, miễn mình cứ luyện đều, tập trung trong quá trình ôn luyện, mình nhất định làm được.
Cảm ơn chị <3
bài viết chia sẻ thật sự rất hữu ích
Page cảm ơn chị ạ <3
Cảm ơn sự nhiệt tình của cô!
Trang web này rất hữu ích cho những ai đang cảm thấy vô định hình và thiếu phương pháp ôn luyện Ielts.
I sincerely thank you for what you have done!
Page cảm ơn chị ạ <3
Cảm on bạn Huyền về những chia sẻ, mình thấy rất dễ hiểu và dễ áp dụng. Chúc bạn thành cong trong sự nghiệp của mình nhé. Thanks a lot 🙂
Dạ. Page cảm ơn mình nhiều ạ 🥰
Cám ơn chị rất nhiều em chênh vênh luôn nghe cứ bị đứng khựng lại rồi nản, rồi lại muốn tiếp tục. Đọc bài chị mà em như có con đường đi rồi ạ.
Page cảm ơn chị ạ. Page mong rằng các bài chia sẻ của cô sẽ hữu ích cho mình ạ ❤️
Thật sự cảm ơn website rất nhiều ạ, có rất nhiều tài liệu bổ ích cũng như những kinh nghiệm, định hướng chi tiết cho những người vẫn còn mông lung trong việc định hướng học IELTS. Chúc chị Huyền cùng web sẽ ngày càng ra nhiều tài liệu, và tiếp tục phát triển web <333
Cảm ơn em nhiều nè, chị rất vui khi website hữu ích với em. Chúc em học tốt và đạt được mục tiêu em đặt ra nè <3