Trong bài viết này Huyền xin chia sẻ một số kinh nghiệm kiểm soát thời gian khi làm IELTS Reading của bản thân – một số điều mà Huyền nghĩ là nên làm và không nên làm trong quá trình tìm hiểu và ôn luyện IELTS Reading. Một số phương pháp trong bài viết có thể phù hợp hay không với một số bạn, nhưng Huyền mong rằng bài viết sẽ có gì đó hữu ích với các bạn nhé.
Khó khăn ban đầu
Lúc Huyền mới bắt đầu tìm hiểu và ôn luyện kỹ năng này, Huyền gặp một số vấn đề như sau:
- Giải passage 1 trong gần 1 tiếng đồng hồ (có câu còn chưa làm xong).
- Nói chung trong khoảng 1 tiếng là không hề đụng tới nổi passage 3 – chỉ đang lang thang mấy câu đầu trong passage 2 là giỏi lắm rồi!
- Mất rất nhiều thời gian tìm đáp án cho 1 vài câu mà mình nghĩ là “khó ăn”. Tìm mãi mà vẫn không thấy đoạn chứa đáp án của những câu này nằm ở đâu, mà có tìm thấy rồi thì đôi khi còn không biết từ nào nên chọn làm đáp án?
- Do không tìm hiểu kỹ càng IELTS Reading có các loại câu hỏi nào? Chiến thuật làm từng loại ra sao, mà ngay từ đầu đã lao vào giải đề luôn – nên tốn rất nhiều thời gian đọc đi đọc lại một đoạn để mong tìm ra đáp án mà không biết là 1 số loại câu hỏi có đáp án theo thứ tự (nghĩa là đáp án cho câu 2 nằm sau đáp án câu 1,…)
- Chỉ chăm chăm giải đề mà hầu như không hoặc dành rất ít thời gian phân tích các câu sai và rút từ vựng (nhất là từ đồng nghĩa) để học.
- Có rút từ vựng nhưng lại không lên thời gian học đều đặn để nâng cao vốn từ. IELTS Reading giống như một bài test từ vựng vậy! Giám khảo lấy ra 1 vài câu trong bài đọc → paraphrase chúng thành các câu hỏi → Nhiệm vụ của mình là tìm ra cái câu gốc trong bài và đáp án thường nằm ngay trong câu đó. Nếu mình tích lũy được lượng từ đồng nghĩa lớn, thời gian tìm ra câu gốc là rất nhanh!
Kinh nghiệm
Dần dần sau này, Huyền rút được rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình ôn luyện IELTS Reading. Trong lần thi gần đây nhất (3/2017), kỹ năng này Huyền đạt 8.5 và sau khi hoàn thành bài thi Huyền còn khoảng 5 phút để check đáp án nữa. Huyền có một số kinh nghiệm muốn chia sẻ với các bạn:
Đối với các bạn mới học IELTS – đừng lao vào giải đề ngay (đây là sai lầm của Huyền ngày xưa). Thay vào đó mình hãy tìm hiểu:
- Phần thi IELTS Reading gồm mấy bài văn?
- Mỗi bài có độ dài bao nhiêu?
- Mình phải trả lời bao nhiêu câu hỏi trong mỗi bài?
- Chủ đề trong các bài thi là gì?
- Phần thi này có mấy loại câu hỏi chính?
- Tìm hiểu thật kỹ chiến thuật giải từng loại câu hỏi. Loại nào có đáp án thường theo thứ tự? Loại nào không? Huyền đã từng chia sẻ vấn đề này trong bài viết này nhé.
- Tìm bài tập theo từng loại câu hỏi để thực hành. Folder Reading này có chứa 1 số bài theo dạng và Huyền đã giải thích đáp án và rút từ chi tiết, các bạn có thể tải nếu cần nhé.
- Điều quan trọng là ĐỪNG chỉ chăm chăm giải bài!!! Cứ mỗi lần giải xong một bài phải dành gấp đôi hay gấp ba thời gian để phân tích (tại sao đáp án đó đúng, đáp án mình sai,…) và rút từ vựng để học. Ngày đó Huyền giải đề buổi sáng, còn quá trình phân tích tốn nguyên buổi chiều rồi!
- Sau khi đã cảm thấy mình biết cách giải từng dạng rồi và đã tích lũy được một lượng từ vựng rồi thì bắt tay vào quá trình giải đề.
- Đừng giải cả ba passage cùng một lúc. Tập trung giải passage 1 trước thôi nhé! Và cũng đừng căn thời gian – vì ban đầu sẽ rất áp lực nếu mình căn thời gian làm bài.
- Sau khoảng 2-3 tuần (nếu ngày nào mình cũng giải 1 passage thì quá tốt, không thì 3 passage/ tuần cũng được), mình vẫn tập trung giải passage 1, nhưng lúc này mình căn thời gian là 20 phút. Sau khi mình đã hoàn thành tốt passage 1 trong 20 phút rồi thì mình rút nó xuống còn khoảng 18 phút thôi.
- Tiếp theo mình kết hợp giải 2 passage cùng một lúc (passage 1 và 2) – căn thời gian 40 phút.
- Sau khi ok khoảng thời gian này rồi, mình chuyển qua passage 3. Lúc này mình căn 60 phút – thường thì ở giai đoạn này mình sẽ không thể hoàn thành hết 3 passage trong 60 phút đâu – nhưng cũng đừng vì thế mà nản hay bỏ cuộc! Nếu bạn cảm thấy quá áp lực, bạn có thể căn 70-80 phút rồi rút lại dần dần.
- Mục tiêu của mình là giải 3 passage trong vòng 50 phút! Đây là chính cách căn thời gian của Huyền trong lần thi gần đây nhất! Trong vòng 1 tháng trước khi thi, Huyền chỉ căn đúng 50 phút cho phần Reading mà thôi – ép mình phải làm xong trong khoảng thời gian này! Tất nhiên đến giai đoạn này, mình đã tích lũy được lượng từ vựng khá lớn rồi!
Nói cho cùng thì TỪ VỰNG vẫn là chìa khóa giúp mình rút ngắn thời gian làm bài. Mà muốn có được chìa khóa này, mình phải kiên nhẫn, siêu tập trung, kỷ luật và đều đặn lắm! Học bao nhiêu từ một ngày? Học sao cho lâu quên? Huyền thấy điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong giai đoạn gần thi Huyền học khoảng 50 cụm từ/ ngày (nhiều bạn nghi ngờ lắm – nhưng điều quan trọng là mình cứ học theo mục tiêu mình đề ra trong từng giai đoạn thôi – đừng nghe người khác nói không được mà mình nghi ngờ bản thân), hàng ngày thì Huyền không học gắt như vậy! Thế thì học sao cho lâu quên? Phải nói thật lòng là gặp nhiều và áp dụng nhiều mới lâu quên! Nếu bạn nào giải nhiều đề Reading rồi, bạn sẽ thấy có rất nhiều từ đồng nghĩa lặp lại – mỗi lần nhìn chúng, học lại chúng là mình đỡ quên hơn! Có nhiều cụm từ mình có thể áp dụng cho Writing hay Speaking nè – ví dụ nhờ giải bài Reading về Traffic congestion mà Huyền tích lũy được một loạt từ vựng để áp dụng vào bài Writing Task 2 như traffic jams, peak times, rush hours, charge a toll,…
Trên đây là kinh nghiệm của Huyền trong việc kiểm soát thời gian khi làm IELTS Reading. Ngoài ra, mình còn rất nhiều cách nữa như đọc báo tiếng Anh, xem phim hay clip tiếng Anh hàng ngày,… Cách nào cũng có cái hay của nó! Huyền mong rằng bài viết này sẽ hữu ích với bạn phần nào, nhất là những bạn đang cảm thấy khó khăn quản lý thời gian khi làm IELTS Reading.
>>> Hướng dẫn giải IELTS Reading Cambridge 13 Test 1 Passage 1
Chị Huyền ra nhiều bài hay trên web lắm ạ, nó giúp ích rất nhiều trong công cuộc luyện thi Ielts của em luôn. Mong chị ra nhiều bài về kỹ năng reading ạ, do em còn khá kém kỹ năng này ! Tks chị nhiều ạ
Ok em nè, cô Huyền sẽ ra thêm các bài học Reading trong thời gian tới em nhé <3
Cô ơi, trong dạng bài True/False/Not Given, làm sao phân biệt False và Not Given ạ?
cảm ơn Cô giáo trẻ về tât cả bài viết rất hữu ích