Lần đầu tiên giải đề IELTS Listening và Reading tại nhà, Huyền được có 3.5 cho mỗi kỹ năng. Hai tuần sau đó, số câu đúng vẫn dao động từ 9 → 12 câu. Lúc đó vốn từ vựng còn hạn hẹp, đặc biệt là từ đồng nghĩa, nên mọi thứ thật sự rất khó khăn. Bạn nào đang ở giai đoạn đầu chắc hẳn hiểu rõ điều này nhất.
Trong bài viết này, Huyền xin chia sẻ cách Huyền học từ trong Listening và Reading, hai kỹ năng còn lại Huyền xin phép chia sẻ sau nhé.
Kinh nghiệm học từ vựng trong IELTS Listening
Trước khi nghe một bài IELTS, mình cần phân tích đề. Riêng việc phân tích đề đã giúp Huyền rút ra được rất nhiều từ vựng rồi, bạn có thể nhìn thấy qua hình bên dưới.
Đối với đề trên Huyền sẽ ghi chú lại các từ length of stay, approximately, erratic (từ này ra lại trong nhiều đề Reading H từng giải), pick-up, transfer something to,…
Vậy những từ này học sao để nhớ lâu? Nếu bạn nào đều đặn học và giải đề Listening, bạn sẽ nhận thấy rằng rất nhiều từ vựng được lặp đi lặp lại trong các đề khác, ví dụ như accommodation, occupation, length of stay, venue, postcode,…
Sau khi phân tích đề xong, mình sẽ nghe → nghe xong sẽ check đáp án, phân tích transcript và rút từ để học. Nhưng từ vựng trong transcript nhiều lắm, làm sao mà học nổi? Đối với những bạn mới học IELTS, để đỡ áp lực, bạn chỉ cần tập trung học từ trong câu/ đoạn chứa đáp án là được rồi.
Khi phân tích đoạn chứa đáp án, bạn sẽ thấy có rất nhiều từ mới → bạn nhớ tra từ điển và ghi chú xuống quyển vở từ vựng nhé. Trong quá trình bạn ghi chú, bạn sẽ nhận thấy trong những từ mới đó, có một số từ là đồng nghĩa của các từ vựng trên đề thi (mà bạn đã rút ra trong quá trình phân tích đề trước khi nghe). Bạn nhớ ghi chú và highlight các cụm từ đồng nghĩa nhé, vì thông thường đó là chìa khóa để dẫn đến đáp án.
Huyền luôn cố gắng học từ mà Huyền đã rút ra ngay trong ngày hôm đó, vì lúc đó mình vẫn còn nhớ ngữ cảnh bài nghe và quá trình phân tích transcript nên Huyền thấy việc học từ sẽ hiệu quả hơn. Bạn cố gắng lên thời gian học từ cụ thể nhé. Ngày đó (lần đầu thi), lúc giải đề tại nhà, sáng khoảng 9 -10 giờ, Huyền giải đề Listening, buổi chiều Huyền thường mất khoảng 1 – 2 tiếng để phân tích transcript và rút từ vào quyển từ vựng, tối thì Huyền dành khoảng 15 – 20 phút học và review từ vựng. Học từ ngay trong ngày hôm đó giúp Huyền nhớ từ lâu hơn (do vẫn còn nhớ ngữ cảnh của bài), và tránh hiện tượng dồn một loạt từ ngày này qua ngày nọ, nản quá lại bỏ luôn :)).
Hôm sau, trước khi giải đề mới hay học sang bài mới, bạn cố gắng tự khảo lại mình những từ mình đã học hôm trước nhé (giống khảo bài đầu giờ vậy ak).Tuy nhiên, cái việc “tự khảo” này nản lắm, vì không bị ai ép buộc nên mình phải tự ép bản thân mình nhé. Cố gắng! Nghĩ tới mục tiêu IELTS để ép mình phải tự học! Về lâu về dài quá trình “tự khảo” này sẽ giúp bạn nhớ từ lâu lắm và còn tập cho mình tính kỷ luật với bản thân nữa!
Sơ đồ học từ vựng Listening
Kinh nghiệm học từ vựng trong IELTS Reading
Reading (và Writing) là hai kỹ năng mà Huyền cảm thấy nản nhất, vất vả nhất − thực sự thách thức sự kiên nhẫn của các sĩ tử IELTS^^. Một Passage Reading khá dài và chứa rất nhiều từ vựng học thuật. Trong khi đó mình phải đọc tới 3 Passage!!! Đối với các bạn mới bắt đầu, Huyền thấy cách hiệu quả nhất là học theo dạng (từng đoạn ngắn) rồi tới giải bài theo Passage (từng passage một) cho đỡ áp lực.
Sau đây là cách Huyền học từ vựng Reading:
Huyền luôn phân tích câu hỏi trước khi đọc bài (tùy mỗi bạn nhé, bạn thấy cách nào phù hợp với bản thân hơn thì theo). Khi phân tích câu hỏi, mình sẽ rút ra được rất nhiều từ vựng:
Sau khi đã hiểu câu hỏi hỏi gì rồi, giờ quay vào bài để đọc và tìm đáp án. Đối với những bạn beginners vốn từ hạn chế thì thực sự quá trình giải Reading rất vất vả vì hầu như từ nào các bạn cũng cần tra từ điển hết ak. (Vậy nên bạn làm đoạn ngắn trước nhé!).
Sau một hồi tra từ điển, mình sẽ hiểu khái quát đoạn đó nói gì và mình cũng sẽ tìm được đoạn/ câu chứa đáp án. Thông thường câu chứa đáp án sẽ chứa rất nhiều từ đồng nghĩa của các từ trong câu hỏi → Bạn nhớ ghi chú và lưu ý thật kỹ các đồng nghĩa đó nhé vì rất nhiều trong số chúng sẽ lặp lại ở các đề khác.
Câu được highlight vàng chính là câu chứa đáp án. Những từ Huyền ghi chú màu đỏ là những từ cần học. Tuy nhiên, trước khi tìm được câu đó, chắc chắn mình phải tra từ ở các câu trước đó (các từ màu xanh lá) → Đối với beginners bạn chỉ cần tập trung học từ màu đỏ là được rồi, sau này vốn từ tăng, level tăng, mình học thêm các từ màu xanh sau.
Trên mạng có 1 số file PDF tổng hợp từ đồng nghĩa của Reading trích ra từ các bài Cambridge, nhưng nếu không giải đề, không hiểu ngữ cảnh của bài văn, không tự phân tích thì nhìn vào bảng đó nhiều chỗ mình sẽ không hiểu và có học thì cũng sẽ quên rất nhanh. Do đó Huyền luôn khuyến khích học viên tự làm bài và rút từ!
Khi bạn giải bài, tự làm, tự dò đáp án, tự phân tích, tự rút từ,…. quá trình này tốn nhiều thời gian nhưng đổi lại mình lại nhớ từ vựng rất lâu. Ngày đó cứ 1 tiếng giải đề là Huyền sẽ mất 3 tiếng phân tích và rút từ (thật ra ban đầu 3 tiếng chỉ đủ phân tích 2 Passage thôi, tới Passage 3 là mệt lắm nên đành để sang hôm sau). Chính nhờ 3 tiếng phân tích, rút từ và học từ ngay trong ngày mà Huyền nhớ từ khá lâu. Mỗi khi học cụm từ (nhất là đồng nghĩa) trong Reading, bạn hãy cố gắng hình dung lại ngữ cảnh của bài văn đó, đoạn văn đó, câu văn đó,…… Khi gắn từ vựng với 1 thứ gì đó, việc nhớ từ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Dù mình có đi học Online, Offline,… thì Huyền thấy quan trọng nhất vẫn là thời gian dành ra để học thêm, tự học tại nhà. Chỉ có quá trình dành ra 30 phút hay vài tiếng tự học tại nhà như vậy mình mới thực sự có cơ hội áp dụng những gì thầy cô dạy và như vậy việc học thực sự mới đạt hiệu quả. Việc học từ mà nhớ lâu đòi hỏi sự đều đặn (mức độ cao nhé) và siêng thực hành (khảo lại, review lại, áp dụng vào Writing/Speaking, siêng giải đề, siêng phân tích,….).
Sơ đồ học từ vựng Reading:
Trên đây là một số kinh nghiệm của Huyền trong quá trình học từ vựng IELTS Listening and Reading, hai kỹ năng còn lại Huyền sẽ chia sẻ sau nhé !
Còn về từ vựng tiếng Anh nói chung thì Huyền thấy hiệu quả nhất vẫn là đọc, nghe, xem những gì mình thích. Huyền đặc biệt thích giọng Anh Anh và những bộ phim thuộc thể loại phiêu lưu (phép thuật…), năm ngoái Huyền đã xem hết bộ phim Merlin và học được rất nhiều từ vựng ! Khi mình yêu thích một thứ gì đó, mình sẽ có hứng thú học hơn và quá trình nhớ từ sẽ hiệu quả hơn!
Huyền mong rằng bài viết sẽ hữu ích với bạn nhé.
em là beginner nên cả 4 kĩ năng đều gặp nhiều từ mới,lại chưa biết cách học thành ra dễ nản :(( ngoại trừ việc ngồi nhẩm thuộc, chị có phương thức học nào khác nữa không ạ, chị chia sẻ giùm em với, em cảm ơn
Chào em, em ơi ngày đó chị cũng đã từng ngồi học kiểu “nhẩm” –> phương pháp này chỉ giúp chị nhớ được từ trong 1 thời gian rất ngắn. Sau đó chị cố gắng hết sức ÁP DỤNG những gì đã học –> chỉ có cách này chị mới nhớ chúng lâu được thôi. Chị đặt câu, tập nói, tập viết, chị ÉP BẢN THÂN khi nói hay viết phải sử dụng được ít nhất 1 vài cụm từ đã học. Rồi chị xem phim (chị rất thích phim tài liệu) + xem các kênh Youtube về productivity, time management, … dần dần vì chị nghe chủ động + áp dụng những gì đã học vào thực tế, chị nhớ tốt hơn nhiều em ạ.