Chào mọi người, đầu tiên chúc mọi người một năm mới đầy ý nghĩa, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Chúc cho những bạn theo đuổi mục tiêu IELTS nói riêng, tiếng Anh nói chung sẽ đạt được những gì mình đã đặt ra nhé.
Cuối năm là thời điểm Huyền review những gì đã và chưa hoàn thành trong năm cũ và đặt ra các mục tiêu mới. Năm nay việc thiết lập mục tiêu sẽ khác một chút so với năm ngoái.
Năm ngoái chỉ nhìn lại sơ sơ năm trước đó, rồi ghi chú (khá sơ sài), sau đó phấn khởi với các mục tiêu của năm mới (mà mình tự hoạch định cho năm sắp tới).
Năm nay dành nhiều thời gian để review lại năm cũ hơn – review theo từng tuần luôn! Lấy quyển sổ lịch ra và xem lại những điều sau (Đây là cách Huyền học được từ Tim Ferriss – hai năm trở lại đây Huyền áp dụng rất nhiều điều từ blog, sách, postcads, của Tim và nó mang lại hiệu suất và kết quả rất tốt).
- Điều gì trong tuần đó, tháng đó làm cho mình phấn khởi nhất và chạm tới năng suất cao nhất?
- Điều gì trong tuần đó, tháng đó làm cho mình thất vọng nhất về bản thân và đạt năng suất thấp nhất?
Ghi chú các điều đó xuống và bắt đầu xem xét mình cần làm gì với nó?
- Đối với những điều làm cho mình phấn khởi nhất và chạm tới năng suất cao nhất? → Viết xuống, highlight thật rõ ràng vào quyển kế hoạch và đặt mục tiêu thực hiện như thế nào cho năm mới.
- Đối với những điều làm cho mình thất vọng nhất về bản thân và đạt năng suất thấp nhất → Cũng viết xuống, highlight và đưa ra cách giải quyết cho từng vấn đề.
Huyền có thói quen lập kế hoạch từ thời sinh viên nhưng chưa bao giờ cam kết với nó cả. Cuối năm nào cũng hào hứng viết xuống các mục tiêu rồi hứa với bản thân phải thay đổi cái này, cái kia. Nhưng cả năm có mấy lần nhìn xuống bản kế hoạch đó? Mấy lần điều chỉnh kế hoạch để phù hợp với từng giai đoạn? Mấy lần review để xem có cần thêm bớt gì không? Đặt mục tiêu nhiều lắm, nhưng chẳng bao giờ có được một kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu cả, đường đi nước bước như thế nào chẳng có, chỉ toàn là kế hoạch được viết xuống một cách chung chung.
Năm 2017 là năm Huyền thực sự nghiêm túc nhất với các kế hoạch mà bản thân đặt ra. Huyền đạt được hầu hết những mục tiêu lớn đặt ra trong năm đó. Năm đó cũng là năm Huyền thấy bản thân đọc nhiều sách nhất và tỷ lệ áp dụng những gì học được là cao nhất. Sau vài năm lên kế hoạch rồi chẳng làm được gì, 2017 Huyền tự nhủ với bản thân là phải thay đổi. Huyền tìm tới các sách dạy đặt mục tiêu, tăng năng suất, sách động lực,… để đọc (quyển Tuần làm việc 4 giờ Huyền đọc cả chục lần mà lần nào cũng học được điều mới)! Đọc xong, tổng kết lại mới thấy ‘Mình đòi hỏi năm mới kết quả khác đi, mà mình lại làm những gì mình đã làm trong những năm trước đó??? → Làm sao mà được?’
Từ cột mốc năm 2017, Huyền đặt mục tiêu cho 2018 và năm mới 2019! Mỗi năm có một sự điều chỉnh nhất định nhưng nguyên tắc vẫn là ‘Muốn kết quả khác, thì hãy làm khác đi. Đừng làm giống những gì đã làm, mà mong chờ kết quả khác. Thành quả luôn tương xứng với những nỗ lực mà bản thân bỏ ra!’.
Năm vừa qua (2018), Huyền cũng đã thực hiện được một số mục tiêu lớn, tuy nhiên vẫn còn một số mục tiêu chưa hoàn thành! Huyền vẫn đang review lại bản kế hoạch và lịch làm việc theo tuần của năm 2018 để có các kế hoạch phù hợp hơn cho 2019!
Lời chia sẻ với những bạn đang học và sẽ thi IELTS trong 2019:
Nếu bạn đã bắt đầu mục tiêu IELTS trong 2018 hay những năm trước đó nhưng chưa đạt được mục tiêu như mình đã đặt ra thì bạn hãy thử những gì Huyền vừa nói ở trên xem sao nhé! Review lại năm cũ, lúc nào mình học tập trung/ kỷ luật/ đều đặn nhất (Tại sao? Phân tích ra), lúc nào mình sao nhãng nhất/ nản nhất/ muốn bỏ cuộc nhất (Tại sao? Yếu tố nào ảnh hưởng? Phân tích và có những biện pháp phù hợp – Nếu không, năm 2019 sẽ vẫn là một năm như 2018 mà thôi).
Huyền tự học IELTS hoàn toàn và Huyền một phần hiểu được cái giai đoạn ôn luyện, đặc biệt với các bạn tự học, nó khó khăn như thế nào. Nhưng cái gì cũng có lý do của nó! Mình chẳng cần so sánh với ai, cứ so sánh với bản thân mình hôm qua, tuần trước, tháng trước năm trước! Mình bắt đầu thấp hơn (mất gốc chẳng hạn) → Không sao, chẳng bao giờ là quá muộn! Giờ bắt đầu lên kế hoạch lấy lại gốc! (Bạn thân Huyền mất gốc, 9 tháng đạt IELTS 6.0)! Mình có gốc nhưng cứ bơi trong đống tài liệu, loay hoay chẳng biết học kiểu gì? → Vậy bạn giống hệt Huyền ngày đó rồi! Mất 2-3 tháng chỉ để thử tài liệu và phương pháp, mãi mới định hình được đường đi! Sau khi đã biết đường đi, tập trung và thật kỷ luật nhé! Nhớ “Làm khác, kết quả mới khác!”
Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để xem lại quá trình ôn luyện IELTS nói riêng, tiếng Anh nói chung của bản thân trong năm vừa qua.
- Nếu mình có ghi lại lịch trình hay đánh dấu vào một quyển sổ/ lịch thì lấy ra và review lại → Phân tích một hồi là biết liền tại sao mình tiến bộ/ không tiến bộ!
- Nếu mình học mà chẳng ghi lại lịch trình gì cả, thì không sao! Đã học thì chắc chắn phải có tài liệu và vở ghi chép! Lấy các quyển vở ghi chép ra, review lại xem trong năm vừa qua học được gì rồi? Ghi chép đầy đủ không? → Tương tự như trên, chỉ cần phân tích kỹ một chút là mình sẽ biết việc học của mình tại sao dậm chân tại chỗ/ lên ít/ lên nhiều/…
Ngày đó tự học, mặc dù không được bài bản cho lắm (Vì tự tìm tòi, mò mẫm, không ai chỉ cả và cũng chẳng tham gia khóa học nào), nên việc trình bày của Huyền chưa thực sự tốt để sau này có cái mà review lại. Tuy nhiên, Huyền vẫn có một sự bài bản nhất định đó là:
- Có một quyển vở riêng dành cho Vocabulary (Huyền ghi chép rất nhiều từ vựng vào đây – tập hợp chủ yếu từ vựng của Listening và Reading, còn hai kỹ năng kia Huyền ghi từ theo cụm vào các quyển riêng).
- Có vở riêng dành cho Writing và Speaking để ghi chép bài mẫu, highlight từ vựng, ghi lại cấu trúc hay (Tự phân tích, tự rút ra các cấu trúc/ từ vựng mà bản thân cho là hay).
Nếu bạn nào chưa có kế hoạch bài bản, vở ghi chép đầy đủ, chi tiết,…. thì bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho những vấn đề này nhé!
Nói chung, làm khác kết quả nó mới khác! Huyền chúc bạn một năm mới đầy những thành công mới nhé!
– Chia sẻ từ một người tự học IELTS – Nguyễn Huyền
Trả lời