Hi cả nhà
Tất cả những gì Huyền chia sẻ trong bài viết này đều là trải nghiệm và quan điểm cá nhân của bản thân. Có thể bạn đồng ý, không đồng ý hay như thế nào đi nữa thì Huyền vẫn mong rằng bài viết có điều gì đó hữu ích với bạn, vì Huyền viết nó từ chính kinh nghiệm của bản thân.
Nhiều người cho rằng những người tự học là những người sinh ra đã có sẵn bản tính này trong mình rồi. Kiểu như là người nào sinh ra và may mắn được thượng đế trao tặng cho cái tag “tự học” thì sẽ tự thân vận động từ bé, không cần phụ thuộc quá nhiều vào người khác. Nói chung là không cần thầy cô, cha mẹ nhắc nhở vẫn cứ tự ngồi vào bàn học, làm bài tập đầy đủ. Nếu mình nghĩ như thế này thì có vẻ nó sẽ kéo mình ngày càng xa ra cái “tự học” đó! Huyền thấy tự học cũng tương tự như các kỹ năng khác mà thôi, có thực hành mới hoàn thiện được (Pratice makes perfect)!
Cũng giống như việc học bơi – ban đầu học khởi động, hít thở, quơ tay, quơ chân, rồi mới tập bơi – thì tự học cũng tương tự như vậy. Trải qua quá trình học tiếng anh từ lớp 6 tới đại học, rồi sau đó tìm hiểu, ôn luyện và dạy IELTS, Huyền nhận ra rằng để “tự học”, mình cần có cho bản thân một mục tiêu ĐỦ LỚN, ĐỦ QUAN TRỌNG để mình sẵn sàng từ bỏ những thú vui tạm thời cho mục tiêu đó!
Mỗi người sẽ có những mục tiêu khác nhau và mục tiêu cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Huyền bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 6 (Huyền không hề đi học thêm trước đó. Và thật ra thời đó việc học thêm cũng chưa phổ biến như bây giờ). Mục tiêu lúc đó của Huyền là nhất định phải đạt được học sinh giỏi, đứng nhất lớp với điểm tiếng Anh trên 8.0 (Mặc dù lúc đó là năm đầu tiên bắt đầu học ngôn ngữ này, giờ nghĩ lại thấy sao hồi đó ghê gớm vậy :)) ). Đối với Huyền lúc đó, cái mục tiêu này vô cùng quan trọng, kiểu như nó ám ảnh mình luôn vậy! Nói chung bằng mọi giá (thời gian, công sức, làm thêm bài tập,..) mình cũng phải đứng nhất lớp, và trên 8.0 tiếng Anh!!! (Thanh niên vững vàng :)) )
Có mục tiêu rồi nhé! Giờ làm gì tiếp? Phải hình dung ra kế hoạch chi tiết thôi! Điểm trung bình sẽ được quyết định bởi điểm thi cuối kỳ, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra 15 phút và kiểm tra miệng. Các điểm này phải 8 trở lên mới yên tâm được. Mà để đạt được như vậy thì phải học trước các bạn trong lớp cơ! Ít nhất khi cô dạy Unit 1 thì mình đang soạn Unit 2 rồi! Thế là Huyền nói bố sắm cho mình 1 quyển từ điển Anh-Việt nhỏ, 1 cái đài cassette, 1 cuốn băng cassette tiếng Anh lớp 6 và 1 các tai phone. Băng đọc gì thì mình nhại theo thôi, có từ nào không biết thì tra từ điển, viết vào 1 quyển vở, học từ thì cứ lấy phấn viết xuống nền rồi xóa đi cho đỡ tốn vở :)). Sau này nhiều bạn hỏi Huyền học phát âm và từ vựng như thế nào – thật ra bắt đầu Huyền học như vậy đó!
Vậy là có mục tiêu và cũng có được kế hoạch chi tiết rồi nhé. Giờ thì cứ thế làm theo thôi! Nói thì dễ làm mới thấy khó! Biết bao nhiêu bài tập, bao nhiêu từ vựng, rồi còn phải cưỡng lại cái chuyện đi chơi để ở nhà học nữa chứ!!! Mỗi lần như vậy Huyền luôn nhớ tới mục tiêu đứng nhất lớp với điểm tiếng Anh trên 8.0 – phải ghim chặt nó vào đầu, review nó hàng ngày – không là nó trôi đi mất bao giờ không biết! Phải hỏi mình liên tục “Tại sao mình bắt đầu?” Lý do mình bắt đầu chính là cái sẽ kéo mình lại con đường chính nếu mình có lỡ đi chệch hướng!
Điều tương tự cũng diễn ra trong suốt quá trình Huyền tự học IELTS. Nếu nói về học tập thì cái giai đoạn 6 tháng – từ lúc chân ướt chân ráo tìm hiểu IELTS, tự ôn và thi được 7.0 – là giai đoạn Huyền ngưỡng mộ bản thân mình nhất, ngưỡng mộ hơn rất nhiều so với lần Huyền đạt 8.0. Cái Huyền ngưỡng mộ ở đây không phải là band điểm mà là sự tập trung cao độ và sự tự vực bản thân dậy trong suốt quá trình đó! Mục tiêu lớn nhất của Huyền lúc đó là phải có tấm bằng IELTS 7.0 để đi xin việc! Lúc đó Huyền chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi! Nói chung bằng mọi giá phải có được IELTS 7.0, nếu không thì thất nghiệp quê lắm! (Lúc đó với Huyền, IELTS là tất cả, IELTS sẽ quyết định sự nghiệp, thu nhập,…đại loại kiểu vậy ak) – Giờ nghĩ lại mới thấy sao mình có thể quyết tâm đến vậy :))
Có những giai đoạn mà mình nghĩ rằng ông trời đang đẩy mình tới sự tận cùng của giới hạn! 6 tháng ôn IELTS cũng là 6 tháng cuối năm 4 đại học! Còn bao nhiêu là thứ phải lo: thực tập, thi chuyên đề để ra trường,… rồi giờ còn gánh thêm IELTS nữa! Huyền nhớ như in khi mở bài test Reading mà muốn rơi nước mắt, muốn bỏ quách đi cho xong! Từ mới thì nhiều, bài thì dài, câu hỏi thì đọc không hiểu chứ đừng nói tới chuyện tìm câu trả lời!!! Đấy mới là 1 kỹ năng thôi, còn tới 3 cái nữa! Thế là bắt đầu nghĩ linh tinh: thôi hôm nay mình ra quán cafe học cho nó thoáng, thôi làm cái này trước lát học sau,… Đủ lý do trên đời chỉ để trì hoãn! Đâu phải nói tự học là có thể tự học được ngay!!!
Nhưng rồi, nếu có mục tiêu đủ lớn và quan trọng (lớn và quan trọng theo định nghĩa của bản thân trong mỗi giai đoạn), thì chắc chắn mình sẽ có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn đó! Huyền luôn nghĩ tới 2 viễn cảnh:
- Nếu mình đạt được mục tiêu đó thì cuộc sống/ nghề nghiệp/ thu nhập/ hình ảnh cá nhân/… của mình sẽ trở nên tốt đẹp như thế nào?
- Nếu mình cứ thoải mái, dễ dãi với bản thân thì cuộc sống/ nghề nghiệp/ thu nhập/ hình ảnh cá nhân/… của mình sẽ trở nên như thế nào sau 6 tháng/ 1 năm/ 2 năm/…nữa đây?
Huyền tin rằng cái cảm giác hạnh phúc/ tự hào,…khi biết mình đã cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu pha trộn thêm cái cảm giác lo lắng/ sợ hãi/ thất vọng/… khi mình đã không cố gắng đủ → sẽ giúp mình có thêm động lực để tự ngồi vào bàn học, để vượt qua cái giai đoạn nản và để mình tiến gần hơn tới mục tiêu!
Nói chung không phải tự nhiên mà Huyền tự học được như vậy! Huyền đã phải tự rèn cho bản thân mình ngồi học và tập trung 10 phút, rồi tăng lên 15 phút, rồi tăng lên tiếp,… Luôn nhớ tới mục tiêu “to lớn” mà mình đã đạt ra trước khi bắt đầu một việc gì đó! Để an toàn thì viết mục tiêu xuống sổ rồi để ở ngay cái bàn học/làm việc hay nơi nào mình hay lui tới nhất! Nản thì cho phép mình nghỉ 1 xíu, dành thời gian đó xem video động lực, đọc sách động lực như Đánh thức con người phi thường trong bạn của Anthony Robbins hay Không bao giờ là thất bại! Tất cả là thử thách của Chung Ju Yung (Đây là 2 quyển sách theo Huyền từ ngày đó cho tới bây giờ).
Huyền mong rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ tiếp thêm động lực cho bạn trong quá trình tự học IELTS cũng như quá trình làm việc nói chung nhé!
“When you feel like quitting, think about why you started!”
Em chào chị
Em xe kênh youtube của chị từ trước cho tới nay .
Em là một người mất gốc Tiếng Anh mà lại học chuyên ngành NNA haizzz cuộc đời thật chớ trêu. Hiện tại em muốn ôn thi IELTS nhưng chưa biết phải làm gì hay bắt đầu từ cái gì nữa . Em định sẽ đi học thêm ngoài trung tâm xem như thế nào nhưng em rất đắn đo với cũng đang là sinh viên năm nhất em cũng muốn chuẩn bi học ielts sớm để giảm bớt lịch học trên trường. Đồng thời em rất muốn tự tin giao tiếp tốt và cơ hội sau này sẽ mở rộng hơn với mình .
Chào em, việc em tìm hiểu IELTS từ năm nhất chị thấy rất tốt luôn (chứ để tới năm cuối như chị ngày đó vất vả lắm em ạ). Bạn thân chị cũng mất gốc, hiện tại bạn ấy 7.0 IELTS và đang đi dạy giao tiếp. Việc mình mất căn bản ngữ pháp/phát âm/ … ban đầu sẽ làm cho con đường ôn luyện của mình gian nan hơn các bạn khác, nhưng không có nghĩa là mình không làm được. Nếu em cần hỗ trợ tư vấn 1 lộ trình học, em có thể inbox vào fanpage IELTS Nguyễn Huyền và chị sẽ lên 1 lộ trình để em tham khảo thử nhé: https://www.facebook.com/ieltsfocusmode
Sau khi có lộ trình, em có thể xem xét nó có phù hợp với em không và em sẽ quyết định các bước đi tiếp theo nhé.
Em rất cảm ơn những bài viết truyền động lực của chị, em cũng đang cố gắng vực bản thân để ôn Ielts, em cũng rất cần tấm bằng 8.0 để đi xin việc. Đúng là vực dậy bản thân để học là rất khó, duy trì được quá trình còn khó hơn nữa. Nhờ bài viết của chị mà em cảm thấy có động lực hơn nhiều. Em cảm ơn chị nhiều lắm.
Page cảm ơn chị ạ, chúc chị học tốt <3
Iam really interested in your posts. Yet, it would be much greater if you could deliver some teaching videos like facebook livestream.